#095 | Bên mua có quyền từ chối nhận hàng không đúng hợp đồng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) ký hợp đồng mua bán với Công ty Trung Quốc (Bị đơn - Bên bán). Phía Việt Nam đã nhận hàng nhưng hàng không đúng như hợp đồng nên từ chối nhận hàng. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn là từ chối nhận hàng.

Bài học kinh nghiệm:

Không hiếm trường hợp doanh nghiệp gặp phải hoàn cảnh hàng hóa giao cho doanh nghiệp không phù hợp với hợp đồng và vụ việc nêu trên là một ví dụ. Cụ thể, Hội đồng Trọng tài “kết luận rằng Bị đơn đã giao cho Nguyên đơn hàng hóa không phù hợp với hợp đồng”. Từ việc Bên bán không giao hàng đúng như hợp đồng, Bên mua có được quyền từ chối nhận hàng không?

Trong vụ việc trên, Nguyên đơn yêu cầu “buộc Bị đơn nhận lại lô hàng không đúng qui định hợp đồng” và đã được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Cụ thể, theo Hội đồng Trọng tài, “Bị đơn đã giao cho Nguyên đơn hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nói tại Mục 5, phần Phân tích sự việc trên đây, căn cứ khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005, Hội đồng Trọng tài công nhận Nguyên đơn có quyền từ chối nhận lô hàng xếp trong Container số GLDU3172874 mà Bị đơn đã giao cho Nguyên đơn”.

Lưu ý thêm rằng hướng giải quyết trên cũng được vận dụng trong vụ việc khác tại VIAC. Chẳng hạn, sau khi khẳng định “Nguyên đơn đã thể hiện chủ định mua hàng để sản xuất giấy”, “Bị đơn đã biết và phải biết rằng mục đích mua hàng của Nguyên đơn là để sản xuất giấy” trong khi “Nguyên đơn nêu rằng thông số về độ trắng quá thấp (chỉ đạt 49,78% thay vì tối thiểu 82%), cộng với các thông số khác không đạt yêu cầu, đã làm cho hàng không sử dụng được vào mục đích làm giấy”, “căn cứ vào khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005, Hội đồng Trọng tài cho rằng Nguyên đơn có quyền từ chối nhận hàng của Bị đơn”.

Khi giải quyết, chúng ta đã thấy Hội đồng Trọng tài viện dẫn khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005. Đây chính là cơ sở để Bên mua được từ chối nhận hàng hóa vì điều khoản này quy định “Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng”. Như vậy, doanh nghiệp mua hàng biết rằng họ được quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa giao cho doanh nghiệp không phù hợp với hợp đồng. Đây là công cụ phòng vệ hiệu quả đối với tình huống hàng hóa chuyển cho doanh nghiệp nhưng lại không phù hợp với hợp đồng.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI